Bệnh cúm gia cầm và các biện pháp phòng, chống bệnh

Đăng ngày 15 - 05 - 2025
100%

Để giúp người chăn nuôi và người tiêu dùng nâng cao những hiểu biết về bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y xin giới thiệu bệnh cúm gia cầm và cách phòng chống như sau:

1. Đặc điểm chung của bệnh.

Bệnh Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do vi rút cúm típ A. Trên vỏ bọc có hai loại kháng nguyên H (Hemagglutinin) và N (Neuraminidase). Kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16 và kháng nguyên N có 09 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9. Tùy theo chủng vi rút gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng vi rút đó. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người.

Sức đề kháng của vi rút: Vi rút thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh. Vi rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70°C trong 05 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, vi rút có thể sống được vài tháng. Chất sát trùng thông thường như: xút 2%, phoóc-môn 3%, crezin 5%, chloramin B 3%, iodin 1%, halamid 20%, cồn 70° - 90°, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc,...

Loài mắc: Động vật mắc bệnh cúm gia cầm là các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.

Nguồn bệnh: Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, có nhiều trong phân, dịch tiết như nước mũi và nước bọt của con vật mắc bệnh. Trong thiên nhiên, các loài chim di trú, thủy cầm hoang dã mang trùng vi rút cúm là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Trong chăn nuôi, thủy cầm mang trùng vi rút cúm được xem là nguồn lây nhiễm bệnh chính cho gia cầm nuôi nhốt.

Đường truyền lây: Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút cúm được nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hóa, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi và nước bọt. Thời kỳ lây truyền thường trong vòng từ 3 đến 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.

- Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm hoặc động vật mắc bệnh, động vật mang trùng vi rút cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua các chất bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm vi rút cúm.

- Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra.

2. Triệu chứng

- Gia cầm chết đột ngột hàng loạt nhanh mà không có biểu hiện triệu chứng.

- Gà đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất.

- Thở nhanh và khó thở.

- Xuất huyết ở những chỗ da không có lông, đặc biệt là chân.

- Mào, tích tím tái, phù và có thể có điểm xuất huyết ở đỉnh.

- Gà mái giảm đẻ, đẻ trứng non, sau đó ngừng đẻ.

- ỉa chảy, có biểu hiện khát nước.

- Những con non có biểu hiện thần kinh như quay vòng, nghẹo cổ…

3. Bệnh tích

- Mào và tích sưng thũng, xuất huyết đỏ sẫm.

- Niêm mạc mũi tịt lại, xuất huyết đỏ.

- Viêm hoại tử và xuất huyết tràn lan ở: phổi, tim, gan, lách, thận; trứng non dập vỡ và xuất huyết.

- Tụy tạng sưng to, có các vạch vàng, đỏ xen kẽ.

- Niêm mạc dạ dày tuyến, niêm mạc ruột non, ruột già, manh tràng, hậu môn, túi Fabricius đều xuất huyết đỏ sẫm từng đám.

- Dưới da đùi và dưới da chân đều có xuất huyết đỏ.

Cần lưu ý: Dạ dày tuyến xuất huyết gần giống bệnh Niucatxơn và gan có hoại tử dễ nhầm với bệnh tụ huyết trùng

4. Phòng, chống dịch bệnh

Về chăn nuôi.

- Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

- Nuôi nhốt gia cầm trong chuồng, hoặc nuôi thả trong khu vực khép kín, có hàng ràng bao quanh.

- Nuôi nhốt riêng các loài gia cầm.

Chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có giấy chứng nhận đã kiểm dịch. Nhốt riêng gia cầm mới mua ít nhất 2 tuần.

- Khi thấy có biểu hiện ốm ở vài con hoặc nhiều con, hãy nhốt riêng và cách ly chúng ngay khỏi những con khoẻ mạnh.

- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm.

Chuồng trại luôn cần sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông luôn ấm áp, cần che tránh gió lùa.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và khu vực nuôi thả (dọn phân hàng gày, phải dọn sạch chất thải gia cầm, thức ăn thừa; hàng tuần rắc vôi bột, hoặc phun các chất tiêu độc; đốt hoặc chôn phụ phẩm sau khi giết mổ gia cầm).

- Tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

- Khi phát hiện gia cầm bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Mổi hộ chăn nuôi phải cam kết thực hiện “5 không”.

- Không thả rông gia cầm.

- Không vận chuyển, mua bán gia cầm bệnh.

- Không ăn thịt gia cầm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.

- Không giấu dịch.

- Không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Khi có dịch cúm gia cầm.

- Phải báo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y khi thấy có gia cầm ốm.

- Tiêu huỷ gia cầm (đốt hoặc chôn) theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y.

- Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết. Không vứt xác gia cầm chết bừa bãi.

- Tiêu độc khử trùng chuồng trại và các phương tiện vận chuyển.

- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với gia cầm.

- Vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi đi ra khỏi nơi nuôi nhốt gia cầm.

<

Tin mới nhất

Bệnh cúm gia cầm và các biện pháp phòng, chống bệnh(15/05/2025 5:02 CH)

Thông báo tiếp nhận công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi (01/01/2025-26/4/2025)(28/04/2025 2:50 CH)

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh tai xanh trên lợn(26/04/2025 10:57 SA)

Thanh Hoá đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao(08/04/2025 3:09 CH)

Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc(26/02/2025 1:33 CH)

Kết quả phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, giá cả, thị...(11/02/2025 8:45 SA)

Nhiều khu vực tại Thanh Hóa rét đậm, rét hại(20/01/2025 8:25 SA)

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản...(20/12/2024 10:16 CH)

Thông báo tiếp nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi (15/11-12/12)(13/12/2024 10:28 SA)

Chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi(12/12/2024 4:11 CH)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
154 người đã bình chọn
°
1567 người đang online