Như chúng ta đã biết, trong những năm qua ngành chăn nuôi nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng đang có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Sở dĩ có được kết quả như trên là nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi với chất lượng con giống, điều kiện chuồng trại, vấn đề dinh dưỡng thức ăn cũng như kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ngày càng tốt hơn.
Theo hạch toán, chi phí thức ăn có thể chiếm đến 60- 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi gia súc gia cầm. Do đó, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mang lại nhiều hay ít phụ thuộc vào hiệu quả của việc cung cấp thức ăn cho chúng. Bởi lẽ, con vật có sinh trưởng, phát triển để tạo ra các sản phẩm như thịt, trứng, sữa… là nhờ hấp thu được các chất dinh dưỡng thiết yếu từ thức ăn mà chúng ta cung cấp cho chúng.
Vấn đề đặt ra là chất lượng của thức ăn của các nhà sản xuất đã đảm bảo chất lượng chưa? Giá thành có tương xứng với chất lượng của nó? Làm thế nào để biết và mua được thức ăn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là người chăn nuôi đã cung cấp cho vật nuôi loại thức ăn, khẩu phần ăn đã hợp lý chưa?...
Xuất phát từ những vấn đề trên, thông qua tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và sử dụng thức ăn cho gia súc gia cầm hiện nay chúng tôi nhận thấy còn có những vấn đề còn tồn tại như sau:
Thứ nhất là: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn cho gia súc gia cầm với hàng nghìn sản phẩm khác nhau , kèm theo đó là hàm lượng chất dinh dưỡng cũng khác nhau (Ví dụ: cùng là thức ăn cho gà từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng nhưng hàm lượng Protein lại khác nhau). Bên cạnh đó, cũng còn có những trường hợp chất lượng thức ăn của các công ty không ổn định, có thời điểm thì chất lượng tốt, có thời điểm thì kém hơn) từ đó gây khó khăn cho việc lựa chọn loại thức ăn của người nuôi. Đặc biệt, vì mục tiêu lợi nhuận, không ít cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã "rút ruột" các chất dinh dưỡng trong thức ăn, thay vào đó là các chất ít có giá trị dinh dưỡng làm giảm chất lượng thức ăn và theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dương, “Đây là một "chiêu" của các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi để đánh lừa người chăn nuôi. Có khi các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không tăng giá nhưng họ gian lận thương mại, ăn bớt các chỉ tiêu dinh dưỡng như đạm, tạo mỡ, năng lượng". Thực tế trong một số năm gần đây các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương liên tục phát giác nhiều vụ việc sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng.
Thứ hai là: Thông thường, mỗi đối tượng vật nuôi với mỗi giai đoạn tuổi khác nhau phải được cung cấp thức ăn tương ứng với giai đoạn tuổi đó. Tuy nhiên, do tính chất thương mại, vẫn còn có những đơn vị sản xuất ra các sản phẩm mang tính thương mại cao với 1 loại thức ăn dùng cho tất cả các giai đoạn như: thức ăn hỗn hợp cho gà thịt thả vườn từ 1 ngày tuổi đến xuất bán hoặc thức ăn cho lợn từ cai sữa đến xuất chuồng. Theo ghi nhận, các loại thức ăn trên thường có hàm lượng Protein trung bình hoặc thấp nên không về khoa học không đáp ứng được nhu cầu của gia súc, gia cầm giai đoạn đầu. Và với tình trạng này, đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kiến thức, thiếu khả năng đầu tư thường mua và sử dụng cho cả quá trình nuôi con vật theo hướng dẫn trên bao bì, điều này không chỉ làm cho con vật chậm lớn mà chi phí thức ăn cũng tăng cao, thiệt hại về kinh tế là đáng kể.
Kế đến là: Vẫn còn nhiều chủ hộ chăn nuôi, nhiều nông hộ, nhất là người dân chăn nuôi nhỏ lẻ vùng Miền núi, do điều kiện kinh tế, tập quán xã hội, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, lại hay làm theo kinh nghiệm nên vẫn chưa thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật, chưa cho gia súc gia cầm ăn đúng khẩu phần (chưa định lượng được thức ăn, cho ăn bữa đói, bữa no…) từ đó mà chưa phát huy hết khả năng sinh trưởng của con vật, làm cho hiệu quả trong chăn nuôi còn thấp.
Từ những vấn đề trên, để đảm bảo hiệu quả cho người chăn nuôi, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người. Chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:
- Đối với người chăn nuôi:
+ Để mua được thức ăn chất lượng cần lựa chọn các thương hiệu có uy tín trên thị trường.
+ Mua và sử dụng đúng chủng loại thức ăn cho từng vật nuôi theo từng giai đoạn tuổi, giai đoạn sinh trưởng phát triển của vật nuôi và cho vật nuôi ăn đúng và đủ khẩu phần thức ăn hàng ngày. Trong quá trình sử dụng cần định kỳ đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi để đánh giá chất lượng thức ăn và điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày cho phù hợp.
- Đối với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn: Tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi. Đảm bảo rằng các loại vật nuôi luôn có được loại thức ăn đảm bảo chất lượng, thức ăn sạch theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao các tiến bộ khoa học về chăn nuôi nói chung, dinh dưỡng thức ăn nói riêng cho người chăn nuôi.