I. Sự cần thiết ban hành chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hoá là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, có bờ biển dài 102 km, dọc bờ biển có 7 cửa lạch lớn nhỏ, trong đó có 3 cửa lạch lớn là: Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng đang được đầu tư thành những trung tâm nghề cá lớn của tỉnh. Vùng biển Thanh Hóa là một trong những ngư trường quan trọng, có tính đa dạng sinh học cao nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của đa số các loài thủy sản có tại Vịnh Bắc Bộ, với số lượng tàu cá khai thác thủy sản lớn, 6.610 chiếc; trong đó: có 4.702 chiếc hoạt động ở vùng biển ven (mủng, bè mảng, tàu cá có chiều lớn nhất dài dưới 12m), chiếm 71,1% tổng số tàu cá (Cụ thể phụ lục 1 kèm theo). Khu vực ven biển của tỉnh được thiên nhiên ban tặng với những bãi biển đẹp, có bãi tắm Sầm Sơn nổi tiếng và các khu nghỉ mát khác như Hải Tiến - Hoằng Hóa, Hải Hòa - Nghi Sơn,… có tiềm năng rất lớn phát triển thành những khu du lịch, đô thị biển hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế;
Qua thống kê, rà soát có 1.683 tàu cá ven bờ (Cụ thể phụ lục 1 kèm theo) thường xuyên neo đậu tại các khu du lịch biển, đây hầu hết là các tàu cá hoạt động khai thác đi về trong ngày, sản phẩm thủy sản bốc dỡ tại bờ biển gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch:
- Làm xuất hiện rác thải, vệt dầu loang do rò rỉ nhiên liệu gây ô nhiễm mặt nước khu vực bãi tắm, đồng thời hoạt động di chuyển của tàu cá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho khách tắm biển.
- Hoạt động bốc dỡ thủy sản trên bờ biển gây mất mỹ quan, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tàu cá cũ, hư hỏng neo đậu chiếm diện tích bờ biển ảnh hưởng đến cảnh quan, thu hẹp không gian du lịch ven biển.
Vì vậy, để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của biển góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, mục tiêu đưa Thanh Hóa thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước; phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của ngư dân, xây dựng cảnh quan ven biển xanh, sạch đẹp, hiện đại, bảo đảm không gian biển cho phát triển du lịch biển; tổ chức, sắp xêp lại hoạt động khai thác thủy sản vùng bờ theo định hướng giảm dần tàu cá khai thác vùng ven bờ phù hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thì việc ban hành chính sách giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là thực sự cần thiết.
II. Nội dung chính sách
1. Tên gọi chính sách: Chính sách hỗ trợ ngư dân giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
2. Đối tượng hỗ trợ: Tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, mủng nan (tre, luồng nan, composit), Bè, mảng (gỗ, luồng, tre, xốp) thuộc phạm vi ảnh hưởng của các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh
3. Điều kiện hỗ trợ: Chủ tàu cá tự thực hiện giải bản tàu cá, thu dọn rác thải phát sinh sau khi giải bản đảm bảo vệ sinh môi trường dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, có sự xác nhận của cấp có thẩm quyền về việc đã thực hiện giải bản và cam kết không đóng mới, mua mới tàu cá khai thác thủy sản ven bờ hoặc đưa tàu cá mới về neo đậu tại các khu du lịch biển.
4. Nội dung hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ giải bản tàu cá:
a) Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 6m:
- Mủng nan (tre, luồng nan, composit): hỗ trợ 20.000.000 đồng/tàu cá;
- Bè, mảng (gỗ, luồng, tre, xốp) gắn máy: hỗ trợ 55.000.000 đồng/tàu cá.
b) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m:
- Bè, mảng (gỗ, luồng, tre, xốp) gắn máy: hỗ trợ 160.000.000 đồng/tàu cá;
- Tàu cá vỏ gỗ gắn máy: hỗ trợ 315.000.000 đồng/tàu cá.
2. Thời điểm nhận hỗ trợ: sau khi hoàn thành việc giải bản tàu cá, có Quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Trình tự, thủ tục thực hiện chính sách
1. Xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện chính sách đăng ký thụ hưởng, đề nghị hỗ trợ kinh phí năm sau gửi Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày 30 tháng 9 năm trước năm kế hoạch;
- Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng danh sách đăng ký thụ hưởng và dự toán kinh phí thực hiện chính sách trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 10 năm trước năm kế hoạch.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách đăng ký thụ hưởng và dự toán kinh phí thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 10 năm trước năm kế hoạch.
- Trên cơ sở danh sách đăng ký thụ hưởng và đề nghị kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách (Phần ngân sách tỉnh hỗ trợ), Sở Tài chính tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách trong dự toán ngân sách tỉnh hàng năm giao cho các địa phương
- Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; Sở Tài chính thực hiện các thủ tục cấp bổ sung có mục tiêu cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định sau
Bước 1: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Bộ phận Tiếpnhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, rà soát hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được biết, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
- Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ của, trong thời hạn 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao Tổ công tác thẩm định hồ sơ.
Tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, thành phần gồm: đại diện các phòng chuyên môn, đại diện Công an xã, Lực lượng Biên phòng phụ trách địa bàn, Trưởng Thôn/Tổ dân phố/Khu phố nơi có đối tượng đề nghị thụ hưởng chính sách.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao, Tổ công tác tổ chức giám sát chủ tàu thực hiện giải bản tàu cá, lập biên bản và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết quả tổ chức giải bản.
- Bước 3: Sau khi có kết quả thẩm định/báo cáo tổ chức giải bản đủ điều kiện được hỗ trợ, Tổ công tác thực hiện việc niêm yết công khai kết quả thẩm định và danh sách tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được hưởng chính sách tại hội trường Nhà văn hóa thôn/Tổ dân phố/Khu phố nơi có đối tượng đề nghị thụ hưởng chính sách và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 05 ngày làm việc.
- Bước 4: Sau khi kết thúc thời gian niêm yết công khai mà không có ý kiến khác về nội dung thẩm định và danh sách tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được hưởng chính sách, trong thời hạn 02 ngày làm việc Tổ công tác kiểm tra, thẩm định lại và hoàn chỉnh kết quả thẩm định, báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hỗ trợ. Trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ, phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do.
- Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, đề xuất của Tổ công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hỗ trợ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chi trả cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.
III. Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
(File dự thảo đính kèm theo)