Vườn quốc gia Xuân Liên, nằm trên địa giới huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), là một trong những khu rừng đặc dụng tiêu biểu của Việt Nam, với diện tích quản lý hơn 25.000 ha. Đây là khu vực chuyển tiếp giữa hai vùng sinh thái lớn: Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, vì vậy sở hữu hệ sinh thái đặc sắc và tính đa dạng sinh học rất cao. Là nơi phân bố của nhiều loài động, thực vật trong đó có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu.
Kết quả điều tra đã đánh giá được ghi nhận: Khu hệ thực vật, đã ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 659 chi và 181 họ. Trong số này có 56 loài thực vật quý hiếm, trong đó 11 loài nằm trong Danh mục IUCN và 39 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Khu vực còn giữ được trên 5.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm đến hàng ngàn năm tuổi, như Pơ mu, Sa mộc dầu, Vù hương, Sến mật, Re gừng, Táu mặt quỷ. Đặc biệt, có 2 cây Pơ mu và Sa mộc được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, hơn 1.500 năm tuổi; Khu hệ động vật 1.811 loài, thuộc 241 họ và 46 bộ, trong đó có 94 loài quý hiếm, 34 loài bị đe dọa toàn cầu (theo IUCN), 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Xuân Liên là nơi phân bố lớn nhất của Việt nam và thế giới loài Vượn đen má trắng với 62 đàn và 200 cá thể. Là nơi duy nhất còn ghi nhận sự tồn tại của Mang Roosevelt (mang Pù hoạt) – một loài từng được cho là đã tuyệt chủng từ năm 1929. Một số loài đặc hữu, quý hiếm khác như: Voọc xám, Rùa hộp trán vàng Bắc, Cầy vòi hương… cũng được ghi nhận tại đây.



Ngoài các loài động thực vật đã ghi nhận, thời gian qua các nghiên cứu tại Xuân Liên đã phát hiện 14 loài mới cho khoa học, trong đó có 5 loài đặc hữu của Xuân Liên gồm: Rắn hổ mây Xuân Liên, Mộc hương Xuân Liên, Thiên lý Xuân Liên, Sồi Xuân Liên, Thượng tiễn Xuân Liên. Kết quả này cho thấy tiềm năng, giá trị đa dạng sinh học tai VQG Xuân Liên còn chưa được đánh giá, khám phá đầy đủ.


Để phát huy các giá trị đa dạng sinh học VQG Xuân Liên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Ứng dụng công nghệ Smart Mobile, GPS Photolinks, GIS,… vào hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thu hút cộng đồng vùng đệm tham gia hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Phục hồi và tái sinh rừng ở những khu vực bị suy thoái; Phát triển vùng đệm bền vững gắn với sinh kế cho người dân; Phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn; Tăng cường hợp tác quốc tế và nội địa, thu hút các nguồn lực cho nghiên cứu và bảo tồn, đảm bảo duy trì dài hạn hệ sinh thái đặc sắc của Xuân Liên; Điều tra đánh giá nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài nguy cấp quý hiến, các loài có giá trị kinh tế cao để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội.
Với hệ động thực vật phong phú, nhiều loài đặc hữu và nguy cấp, Vườn quốc gia Xuân Liên không chỉ là kho tàng di sản thiên nhiên của Việt Nam mà còn là một trung tâm nghiên cứu – bảo tồn sinh học quan trọng tầm quốc gia và quốc tế. Việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, bảo vệ và phát triển các giá trị đa dạng sinh học nơi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc, cần được quan tâm triển khai lớn hơn cả về quy mô cũng như chiều sâu để hướng tới những giá trị cho tương lai bền vững.