Hiệu quả mô hình thâm canh ngô sinh khối làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc

          Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc, vụ Xuân Hè năm 2025, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thọ Xuân phối hợp với UBND xã Xuân Trường (nay là xã Thọ Xuân) triển khai mô hình "Thâm canh ngô sinh khối làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc".

          Mô hình được triển khai trên diện tích 9,5 ha, với sự tham gia của 05 hộ nông dân. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón và 100% kinh phí tập huấn, tổng kết mô hình từ nguồn kinh phí sự nghiệp nhà nước cho hoạt động Khuyến nông năm 2025; 50% chi phí còn lại do các hộ đối ứng. Trong quá trình thực hiện, các hộ được cán bộ Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật thường xuyên.

          Mô hình sử dụng giống ngô lai đơn F1 biến đổi gen NK7328 Bt/GT, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Giống ngô này có nhiều ưu điểm vượt trội: cây sinh trưởng khỏe, cứng cây, chống đổ tốt; bộ lá xanh bền đến khi thu hoạch; bắp to, hạt vàng cam đẹp, tỷ lệ mọc mầm cao. Đặc biệt, giống tích hợp 2 gen quý: Bt giúp kháng sâu đục thân, đục bắp hiệu quả. GT giúp kháng thuốc trừ cỏ Glyphosate, giảm chi phí làm cỏ và công lao động. Nhờ vậy, quá trình canh tác giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng. Giống này cũng cho năng suất sinh khối cao, rất phù hợp làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc đáp ứng tốt nhu cầu các nhà máy chế biến và các trang trại chăn nuôi hiện nay.

          Sau hơn 75 ngày, tại thời điểm cây ngô chín sáp, mô hình ghi nhận năng suất sinh khối trung bình đạt 49,7 tấn/ha. Với giá bán tại ruộng 1 triệu đồng/tấn, nông dân thu về 49,7 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 19,17 triệu đồng/ha, cao hơn 28,05% so với trồng ngô lấy hạt đại trà tại địa phương.

          Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhờ thời gian sản xuất ngắn (75–80 ngày), tăng hệ số quay vòng đất. Nông dân có thể luân canh thêm vụ khác, đa dạng hóa sản xuất và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nghiệm thu mô hình thời kỳ ngô chín sáp

Hộ bà Đỗ Thị Minh chia sẻ: "Trước đây tôi trồng ngô lấy hạt, nhưng đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định. Tham gia mô hình này, tôi thấy ngô sinh khối dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, bán được giá tốt. Tôi rất phấn khởi và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong vụ tới."

          Thành công của mô hình đã giúp thay đổi nhận thức của bà con nông dân về sản xuất ngô sinh khối - một hướng đi hiệu quả, bền vững. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thọ Xuân đang tiếp tục phối hợp với các xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp.

          Các địa phương, HTX và bà con nông dân nên mạnh dạn áp dụng mô hình, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và chủ động liên kết với doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu ngô sinh khối ổn định và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương.

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa