Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 57-NQ-TW); Kế hoạch hành động số 266-KH-TU ngày 26/4/2025 của Bí thư Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; Chương trình số 04-CTr/BCĐ ngày 19/5/2025 của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về chương trình công tác trọng tâm của Ban chỉ đạo cập tỉnh về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2025.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động xây dựng phần mềm quản lý và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các nhiệm vụ/dự án đầu tư đều tuân thủ quy trình theo quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP như: lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà thầu, triển khai và nghiệm thu sản phẩm công nghệ thông tin. Quá trình này được thực hiện minh bạch, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Một số hệ thống đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: CSDL Tài nguyên nước, Tài nguyên biển, Đa dạng sinh học, hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống CSDL địa chính,…. Các dữ liệu được thu thập, chuẩn hóa, số hóa và cập nhật định kỳ, tạo thành nền tảng phục vụ việc phân tích, đánh giá và ra quyết định điều hành.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các đơn vị trong ngành cũng đã đẩy mạnh việc số hóa quy trình nội bộ, từ quản lý văn bản, điều hành công việc đến thống kê, báo cáo. Văn bản điện tử, chữ ký số, họp trực tuyến, quản lý hồ sơ không giấy tờ ngày càng được áp dụng phổ biến, góp phần cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức cũng được quan tâm. Cán bộ kỹ thuật được trang bị kiến thức chuyên sâu về quản trị hệ thống, an toàn thông tin, phân tích dữ liệu, góp phần vận hành hiệu quả các phần mềm và hệ thống công nghệ được triển khai.

Toàn cảnh lớp tập huấn do Trung tâm Dữ liệu thông tin Nông nghiệp và Môi trường tổ chức

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là phương thức mới trong tư duy quản lý ngành. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng tính minh bạch; rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; và đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, môi trường bền vững.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: hoàn thiện cơ sở dữ liệu số ngành; tích hợp hệ thống thông tin vào các nền tảng dùng chung của tỉnh, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với chiến lược chuyển đổi số của tỉnh.

 

Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Chuyển đổi số - Trung tâm Dữ liệu thông tin Nông nghiệp và Môi trường