Giải pháp phát triển cây dưa hấu hiệu quả, bền vững trên đất Nga Sơn

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó dưa hấu nằm trong nhóm rau quả, là một trong 7 cây trồng có lợi thế của tỉnh. Chính vì vậy, cây dưa hấu nằm trong mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và được chính quyền địa phương quan tâm, người dân hưởng ứng. Những năm được giá, được mùa, bình quân mỗi ha dưa hấu sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đạt 80-100 triệu đồng/ha.

Nga Sơn là vùng đất trồng dưa có truyền thống, đến nay cây dưa hấu cùng nhiều loại dưa mới khác đã có mặt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và đang được phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất trồng dưa, những năm qua, được sự định hướng của chính quyền địa phương, bà con nông dân huyện Nga Sơn đã đầu tư cải tạo đồng đất, đưa các giống dưa hấu có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác vào gieo trồng. Áp dụng biện pháp che phủ ni-lông nhằm giảm sâu bệnh, cỏ dại, từ đó hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm dưa hấu bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận Nhãn hiệu bảo hộ tập thể cho Dưa hấu Mai An Tiêm đặc sản Nga Sơn. Đây là điều kiện để huyện Nga Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung quảng bá và phát triển dưa hấu cho bạn bè trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Thế Hữu – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nga Sơn cho biết: Đối với Nga Sơn diện tích trồng dưa hấu năm vừa rồi khoảng 150 - 250ha, tập trung ở một số xã Nga Trung, thị trấn, Nga Yên, Nga Trường, Nga Bạch, Nga An, Nga Giáp. Trong những năm qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con về cây dưa hấu, phân công cán bộ xuống các xứ đồng, các địa phương mới bắt tay vào làm để hướng dẫn bà con áp dụng vào sx được tốt. Phối hợp với các công ty, các doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh, trong nước để cung ứng giống, vật tư, các vật tư khác , thuốc bảo vệ thực vật liên quan đến trồng và bảo vệ cây dưa, là cầu nối giữa các doanh nghiệp, thương lái liên kết với các hộ, các xã, để tiêu thụ sản phẩm cây dưa sau mỗi vụ thu hoạch. Hiện nay Nga Sơn đã và đang quy hoạch các vùng trồng dưa và hướng đến sản xuất an toàn để tới đây đưa sản phẩm cây dưa mai an tiêm ra thị trường cho người tiêu dùng để đảm bảo an toàn chất lượng trên địa bàn toàn tỉnh.

Để sản xuất dưa hấu đạt hiệu quả và phát triển bền vừng thì việc quy hoạch các vùng sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu để đến được với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh là rất quan trọng. Ông Trần Văn Tuân – Phó chủ tịch UBND xã Nga Trung huyện Nga Sơn cho biết: Địa phương chúng tôi có 60 - 90 ha đất sản xuất dưa hấu. Để bà con yên tâm sản xuất ngay từ đầu năm chúng tôi đã gặp gỡ các doanh nghiệp và thương lái thu mua để đàm phán, ký kết hợp đồng, ngoài ra để đảm bảo chất lượng theo đúng hợp đồng chúng tôi đã áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất dưa an toàn Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả, hạn chế rủi do do yếu tố thời tiết, sâu bệnh gây ra, đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhãn hiệu tập thể “DƯA HẤU MAI AN TIÊM ĐẶC SẢN NGA SƠN” được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận tháng 10/2023 sau hơn 2 năm triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Dưa hấu Mai An Tiêm cho sản phẩm dưa hấu của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa”. Đây là một lợi thế khẳng định giá trị, uy tín và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường giúp người trồng dưa hấu ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. 

Để phát triển sản xuất dưa hấu hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số vấn đề như: quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giới thiệu sản phẩm đặc sản dưa hấu. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất,  tuyển chọn các giống dưa hấu phù hợp với điều kiện sinh thái và đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các quy trình canh tác phù hợp; tăng cường các biện pháp sinh học và các biện pháp kỹ thuật  vào sản xuất,…đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ và nhân rộng trong sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị trên đơn vị canh tác;  Ưu tiên chính sách phát triển thị trường và liên kết bao tiêu sản phẩm giải quyết đầu ra cho ổn định, bền vững.

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa